Phá lưới chống chói để mở đường đi: Có nên áp dụng chế tài xử phạt?
Phá lưới chống chói để mở đường đi: Có nên áp dụng chế tài xử phạt?(2016-03-05 10:16:00)
Từ khi tuyến đường QL1A đoạn qua huyện Bố Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình) đưa vào sử dụng đến nay, tình trạng người dân tự ý phá dải phân cách và lưới chống chói vẫn không hề thuyên giảm.
Dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1A từ TP. Đồng Hới đến chân đèo Ngang (thuộc địa phận Quảng Bình) được khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 6/2015. Sau đó 1 tháng, tuyến đường này liên tục bị người dân tự ý phá dỡ lưới chống chói (chống lóa) và dải phân cách giữa để mở “đường đi riêng”.
Theo ghi nhận của PV, trên đoạn đường này có khoảng 60 điểm bị phá lưới chống chói. Trong đó, thị xã Ba Đồn có gần 30 điểm bị tháo dỡ, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) có khoảng 10 điểm bị tháo dỡ, xã Phú Trạch và Hải Trạch có khoảng 16 điểm bị tháo dỡ.
Một lái xe đường dài chia sẻ: “Khi tuyến đường hoàn thành, với dải phân cách và hệ thống lưới chống chói được dựng lên, các phương tiện giao thông sẽ đi với vận tốc cao hơn. Tuy nhiên, nhiều khi đang đi nhanh gặp phải trường hợp người chạy băng đường rồi leo lên dải phân cách vượt sang bên kia đường rất nguy hiểm. Đó là chưa kể đến chuyện gạch, đá người dân kê ở dưới chân dải phân cách không may bị nghiêng hoặc ngã xuống đường khiến cánh tài xế không kịp trở tay”.
Một điểm dân phá lưới chống lóa, rồi xếp gạch trèo lên dải phân cách băng qua đường
Trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Nguyễn Văn Dưỡng, Trưởng ban Quản lý Dự án Tasco thi công trên Quốc lộ 1A tại Quảng Bình cho biết: “Khoảng thời gian đầu, khi thấy người dân tự ý tháo gỡ tấm chống chói hoặc dải phân cách, chúng tôi đã lập tức khắc phục lại hiện trạng của các đoạn đường đó. Tuy nhiên, khi chúng tôi mới lắp lại buổi sáng, đến tối hôm đó lại có người đến phá lưới chống chói. Có những điểm chúng tôi phải lắp lại tới 5 đến 6 lần nhưng vẫn không cải thiện được tình hình”.
Theo tìm hiểu của PV, những điểm người dân tháo dỡ tấm chống chói, họ không vứt đi mà để ngay dưới đường hoặc buộc một cách “ngay ngắn” vào tấm chống chói bên cạnh. Hành vi này cũng gây cản trở giao thông, dễ gây tai nạn cho các phương tiện đi qua những đoạn đường này.
Một tấm lưới chống lóa được buộc “ngay ngắn” vào tấm chống lóa bên cạnh
“Có những điểm dân phá lưới chống chói, khi sửa lại, chúng tôi không bắn ốc vít như lúc ban đầu mà tiến hành hàn các tấm lưới lại với nhau thì người dân lại đập cả chục tấm gần nhau làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và an toàn giao thông nghiêm trọng”, ông Dưỡng cho biết thêm.
“Tôi thường đi công tác về nhà vào buổi tối, qua các đoạn đường bị mất lưới chống chói rất dễ bị lóa mắt bởi ánh đèn từ các xe ngược chiều rọi thẳng mặt, rất khó để nhìn đường và xử lý tình huống. Vì vậy lái xe phải hết sức cẩn trọng nếu không thì rất dễ xảy ra tai nạn giao thông”, anh Nguyễn Tuấn Anh (TP.Đồng Hới) cho biết.
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Công ty Tasco đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình về việc tuyên truyền và xử lý nghiêm tình trạng phá hoại hệ thống An toàn giao thông.
Tấm chống lóa vừa được tháo dỡ dựng ngay dưới dải phân cách
Ngay sau đó, lãnh đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện có tuyến đường QL 1A đi qua địa bàn cũng đã có công văn về việc xử lý tình trạng phá hoại hệ thống ATGT. Nhưng tình trạng người dân tự ý tháo gỡ dải phân cách giữa và các tấm lưới chống chói để băng qua đường chẳng những chẳng giảm xuống mà ngày càng gia tăng.
Ông Nguyễn Duy Huy, Chủ tịch UBND xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch) cho biết: “Địa phương đã nhận được Công văn của tỉnh và huyện gửi về, vừa rồi xã tổ chức họp và vận đông, tuyên truyền người dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ hệ thống ATGT trên đường QL1A qua địa bàn”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi về hình thức xử phạt các hành vi phá hoại đường QL 1A, ông Huy lại cho biết: “Chúng tôi chủ yếu tuyên truyền, vận động người dân thôi chứ chưa áp dựng hình thức xử phạt nào cả. Những hộ phá các lưới chống lóa là những hộ gia đình sống gần đó, nhưng chẳng qua chúng tôi không thấy họ phá.
Tới đây, chúng tôi sẽ tiến hành ký cam kết đối với các hộ dân sống ven QL1A, đồng thời giao nhiệm vụ bảo vệ cơ sở vật chất ở các đoạn đường nằm trước nhà họ. Có như vậy thì mới cải thiện được tình hình, ông Huy cho biết thêm.
Vấn đề sẽ không có gì đáng nói nếu như sau công tác tuyên truyền, vận động mà người dân ý thức được hành vi phá hoại công trình QL 1A, từ đó không tự ý “mở đường riêng” nữa. Nhưng thực tế, sau 1 tháng kể từ khi khánh thành QL 1A cho đến nay đã gần 4 tháng, tình trạng trên vẫn không được cải thiện. Vậy, hai từ “tuyên truyền”, “vận động” ở đây có còn ý nghĩa nữa không? Hay chăng, đã đến lúc cơ quan chức năng cần áp dụng các chế tài xử phạt tương xứng với hành vi mà người dân gây ra thì mới mong thay đổi tình hình.
Ngô Huyền
Các bài khác:
- Chính sách về giá thép thế giới đầu năm 2021 được điều chỉnh như thế nào?
- QCVN 41:2019/BGTVT -QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ
- Hải Vũ – Quý II-2020 – Công bố Báo giá Hộ lan mềm cột tròn, Lưới chống chói, Đảo mềm & Báo hiệu giao thông.
- Hai Vu – Quý II-2020 – Công bố báo giá hộ lan tôn sóng, lan can cầu & báo hiệu giao thông
- Hai Vu – Quý III/2019 -Công bố báo giá hộ lan mềm, lan can cầu & báo hiệu giao thông.
- Quý III/2019 -Hai Vu –Công bố báo giá hộ lan mềm cột tròn, lưới chống chói, đảo mềm & báo hiệu giao thông.
- Hai Vu Jsc – Quý I-2019 – Công bố báo giá hộ lan tôn sóng, lan can cầu & báo hiệu giao thông
- Hải Vũ Jsc – Quý I-2019 – Công bố Báo giá Hộ lan mềm cột tròn, Lưới chống chói, Đảo mềm & Báo hiệu giao thông
- TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7887 : 2018 MÀNG PHẢN QUANG DÙNG CHO BIỂN BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ
- DRVN – Văn bản hướng dẫn tạm thời việc lắp đặt sửa chữa hộ lan tôn sóng trên đường bộ