Hiệu quả từ việc lắp đặt hộ lan mềm trên đường đèo hiểm trở

Hiệu quả từ việc lắp đặt hộ lan mềm trên đường đèo hiểm trở

Hiệu quả từ việc lắp đặt hộ lan mềm trên đường đèo hiểm trở(2016-05-05 03:22:00)

Tạo cảm giác an toàn, tạo mắt phản quang có tác dụng giúp người điều khiển phương tiện quan sát tốt về ban đêm, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng đã giảm đáng kể… đó là những hiệu quả đáng ghi nhận liên quan đến dự án xây dựng hộ lan tôn sóng tại các tuyến đường đèo “cua tay áo” trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong thời gian qua. Cách làm hay này cần được nhân rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc – nơi có địa hình đồi núi cheo leo.

 Đổi thay trên những cung đường “cua tay áo”
Khác với thời gian trước đây, những ngày này, khi có mặt trên tuyến QL4C đoạn đi qua địa phận các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn, chúng tôi thấy yên tâm hơn trước hình ảnh nhiều đoạn đường gấp khúc, “vắt” ngang lưng chừng núi cao trên 1.000m so với mực nước biển đã được lắp đặt hệ thống hộ lan tôn sóng nơi ta luy âm. Tại khúc cua trên tuyến QL4C, đoạn thuộc xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, chúng tôi được toán thợ đang cần mẫn thao tác lắp đặt những tấm tôn bên vệ đường cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Hà Giang đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục có liên quan đến dự án. Dự án này không ngoài mục đích tạo điểm tựa an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này.
Qua phân tích của cơ quan chức năng, những năm trước đây, nguyên nhân khiến số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, bên cạnh những lỗi vi phạm chủ quan do người tham gia giao thông gây ra (không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát, đi không đúng phần đường…), yếu tố địa hình hiểm trở, đường quanh co, “cua tay áo”, không có hệ thống hộ lan tôn sóng ngăn cách trục đường với vực sâu cũng là một trong những nguyên nhân phải kể đến. Khi lưu thông đến những điểm nút giao thông này, chỉ một chút bất cẩn, không chú ý quan sát, nhất là vào thời điểm có sương mù, đêm tối, các phương tiện rất dễ gặp tai nạn. Và tất nhiên, hậu quả của các vụ TNGT nơi đường đèo hiểm trở luôn khôn lường.
Đơn cử như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại khu vực km105, QL4C, đoạn thuộc địa phận huyện Yên Minh là một ví dụ điển hình. Trước đó, chiều 4/4/2010, khi chiếc xe ôtô mang BKS 99A-127x lưu thông đến đoạn đường trên, do mất lái đã lao xuống vực sâu hơn 100m. Hậu quả khiến 3 người bị tử nạn tại chỗ.

Việc lắp đặt hộ lan nơi ta luy âm ở Hà Giang đã tạo hiệu quả bước đầu rõ rệt.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn đi kèm trên địa bàn các huyện vùng cao Hà Giang, trong chuyến kiểm tra tình hình thực tế vào những ngày cuối tháng 2/2014, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để Hà Giang hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, Bộ đã nhất trí hỗ trợ nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho công tác lắp đặt xây dựng tường hộ lan mềm, hộ lan cứng trên các tuyến đường trọng điểm, trong đó có tuyến QL4C.
Cách làm hiệu quả cần được nhân rộng
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT cũng như các ngành, các cấp của tỉnh Hà Giang, ngay từ đầu năm 2014, Sở GTVT Hà Giang – đơn vị chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị chức năng đẩy mạnh việc triển khai dự án lắp đặt hệ thống hộ lan tôn sóng trên một số vị trí nguy hiểm, đường đèo gấp khúc nằm trên địa bàn các huyện vùng cao: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn. Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Giang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đối với dự án nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, đơn vị thi công đã tiến hành lắp đặt trên 15km hộ lan tôn sóng trên tuyến QL4C đoạn thuộc huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc.
Một số điểm xung yếu được tập trung xây dựng hộ lan phải kể đến như: Km46+500- Km46+750, Km76+500-Km77+700… Đồng thời, sửa chữa khắc phục nền, mặt đường đoạn thuộc Km58-Km59, Km70-Km71, Km73-Km74 v.v..Cũng theo báo cáo của Sở GTVT Hà Giang, đối với dự án xây dựng, lắp đặt hộ lan thuộc dự án nguồn vốn sự nghiệp giao thông của tỉnh, tính đến ngày 21/10, đã hoàn thiện trên 10km hệ thống hộ lan cứng – mềm giai đoạn 1 và trên 16km hộ lan cứng – mềm giai đoạn 2 thuộc tuyến đường Yên Minh – Mậu Duệ – Mèo Vạc.
Dự kiến, giai đoạn năm 2014-2015, các đơn vị thi công sẽ tiếp tục lắp đặt thêm 40km hộ lan tôn sóng và 20km hộ lan cứng. Bà Hạnh cũng khẳng định, khi hệ thống hộ lan đi vào sử dụng sẽ tạo cảm giác an toàn cho người tham gia giao thông. Các vị trí lắp đặt hộ lan tôn sóng (hộ lan mềm) có cấu tạo mắt phản quang nên đã đem lại tác dụng quan sát tốt phạm vi đường cho người điểu khiển phương tiện tham gia giao thông trong điều kiện ban đêm và trong những ngày có sương mù…
Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề trên, Trung tá Hoàng Anh Đức – Đội trưởng Đội TTKSGT, Phòng CSGT – Công an tỉnh Hà Giang cũng cho rằng, trước đây, trên tuyến đường này – QL4C, khi không có công trình phụ trợ, những nguy cơ về TNGT luôn tiềm ẩn. Việc lắp đặt hộ lan tôn sóng bên ta luy âm là rất cần thiết nhất là khi du lịch Cao nguyên địa chất vùng cao Hà Giang đi vào hoạt động, vào tuần lễ du lịch, thu hút cả ngàn lượt du khách mỗi ngày.
Hiệu quả bước đầu của việc lắp đặt hộ lan trên các tuyến đường đèo hiểm trở nơi tỉnh miền núi Hà Giang là có thực. Thiết nghĩ, cách làm có hiệu quả này cần được nhân rộng trên những địa bàn miền núi phía Bắc có các tuyến đường cua “tay áo”, hiểm trở đi qua. Có như vậy, hậu quả TNGT đau lòng mới không xảy ra.

Anh Trần Phong Duy –  tài xế xe con cho một đơn vị hành chính dưới Hà Nội thường xuyên đi trên các tuyến đường đèo quanh co chia sẻ: Thời gian qua, khi trở lại đây, đi trên tuyến đường đèo “cua tay áo” qua địa phận các huyện vùng cao của Hà Giang: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn… bản thân đã có cảm giác yên tâm hơn vì tầm nhìn phía bên taluy âm đã được che chắn. Đáng chú ý, thay vì dừng xe lại, thuê phòng trọ ở qua đêm, những ngày qua, khi đi trên tuyến đường này nhờ có hệ thống hộ lan gắn đèn phản quang nên tầm nhìn đã được mở rộng, không có cảm giác lo ngại, tạo điều kiện cho việc điều khiển phương tiện trở về dưới xuôi. Việc lắp đặt hộ lan nơi ta luy âm ở Hà Giang như hiện nay cần được nhân rộng trên các tuyến đường đèo miền núi phía Bắc.

Trần Huy

Các bài khác:

  • Chính sách về giá thép thế giới đầu năm 2021 được điều chỉnh như thế nào?
  • QCVN 41:2019/BGTVT -QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ
  • Hải Vũ – Quý II-2020 – Công bố Báo giá Hộ lan mềm cột tròn, Lưới chống chói, Đảo mềm & Báo hiệu giao thông.
  • Hai Vu – Quý II-2020 – Công bố báo giá hộ lan tôn sóng, lan can cầu & báo hiệu giao thông
  • Hai Vu – Quý III/2019 -Công bố báo giá hộ lan mềm, lan can cầu & báo hiệu giao thông.
  • Quý III/2019 -Hai Vu –Công bố báo giá hộ lan mềm cột tròn, lưới chống chói, đảo mềm & báo hiệu giao thông.
  • Hai Vu Jsc – Quý I-2019 – Công bố báo giá hộ lan tôn sóng, lan can cầu & báo hiệu giao thông
  • Hải Vũ Jsc – Quý I-2019 – Công bố Báo giá Hộ lan mềm cột tròn, Lưới chống chói, Đảo mềm & Báo hiệu giao thông
  • TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7887 : 2018 MÀNG PHẢN QUANG DÙNG CHO BIỂN BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ
  • DRVN – Văn bản hướng dẫn tạm thời việc lắp đặt sửa chữa hộ lan tôn sóng trên đường bộ

 

Hotline: 098 919 7535