Đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn bao che trong vụ Vinashin

Đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn bao che trong vụ Vinashin

Đại biểu Quốc hội đặt nghi vấn bao che trong vụ Vinashin(2010-11-01 06:07:00)

Buổi thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay các đại biểu đã thẳng thắn đề nghị Quốc hội truy rõ hơn trách nhiệm các thành viên Chính phủ về Vinashin.

Câu chuyện no nần của tập đoàn Vinashin được các đại biểu xoáy sâu trong phiên thảo luận. Sau khi đưa ra nhận định nợ công của Việt Nam đang tiệm cận ngưỡng không an toàn, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) dẫn chứng Vinashin là một trong những nguyên nhân. Khoản nợ lên tới hơn 80.000 tỷ đồng “chìm” theo con tàu Vinashin (theo số liệu của kiểm toán độc lập là 96.635 tỷ đồng) là nhân tố khiến cho nợ công của của Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ không an toàn dù vẫn trong giới hạn cho phép.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Cũng đề cập đến gánh nặng nợ nần do Vinashin gây ra, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) nhấn mạnh hơn về mức độ nghiêm trọng. Món nợ khoảng 100.000 tỷ đồng sẽ khiến cho toàn bộ người dân một tỉnh thu nhập cỡ 1.000 tỷ đồng một năm phải làm quần quật không mua sắm, ăn uống, may mặc gì suốt một thế kỷ mới trả nổi.
Đại biểu này cho rằng, Vinashin còn nghiêm trọng hơn vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cách đây hơn 6 năm, cả 1.000 lần. Vì nuông chiều, luôn áp dụng những siêu cơ chế cho công ty của Lã Thị Kim Oanh dẫn đến thất thoát trên 100 tỷ đồng mà một vị Bộ trưởng đang rất được lòng dân, được lòng đại biểu Quốc hội đã phải từ chức và 2 vị Thứ trưởng đã phải ra trước vành móng ngựa.
Đại biểu Thuyết đề nghị biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm rõ ràng trong vụ Vinashin. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cũng tán thành đề xuất này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau tuần làm việc bận rộn với Hội nghị cấp cao ASEAN sáng nay cũng tham dự buổi thảo luận của Quốc hội. Ông lắng nghe chăm chú các tham luận của đại biểu, trong đó có những phát biểu gay gắt của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và Lê Văn Cuông.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) thì lưu ý đến tính thời điểm của vụ Vinashin là xảy ra ngay trước thềm Đại hội Đảng. Tuy nhiên, đại biểu của Bình Dương đưa ra nhận xét, sẽ không công bằng và phải đạo nếu cho rằng sự yếu kém về năng lực và những sai phạm của lãnh đạo Vinashin là nguyên nhân chính bao trùm. Thêm vào đó, càng không nên đổ cho tình trạng thiếu luật pháp và thể chế quản lý các tập đoàn kinh tế.
Mở rộng hơn về vấn đề Vinashin, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, việc thí điểm thành lập tập đoàn chỉ nên trong phạm vi hẹp. Sau một thời gian nhất định phải đánh giá, tổng kết, chấn chỉnh những thiếu sót, nếu khẳng định thành công thì mới triển khai trên diện rộng.
Thế nhưng, trước khi khung pháp lý được ban hành thì đã có 8 tập đoàn thuộc những lĩnh vực trọng yếu, xương sống của nền kinh tế được tiến hành thành lập thí điểm. Chỉ cần một Tập đoàn không thành công sẽ kéo theo ảnh hưởng lớn đến các cân đối kinh tế, đến uy tín quốc gia, đến người lao động. Vinashin hiện nay là một minh chứng điển hình, đại biểu Nga khẳng định.
Một chủ đề nóng khác cũng được đại biểu đặt ra trong phiên thảo luận sáng nay là yếu kém trong quy hoạch. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu ví dụ về ngành xi măng và thép. Trong hơn 10 năm, Bộ Xây dựng phải trình Thủ tướng 4 lần điều chỉnh quy hoạch ngành xi măng vì vỡ quy hoạch, cung vượt cầu. Quy hoạch ngành thép cũng có nguy cơ đổ bể do nhiều địa phương xé rào quy hoạch. Đến cuối năm 2009 đầu năm 2010, tổng công suất thép cả nước lên tới 20 triệu tấn mỗi năm trong khi nhu cầu trong nước chỉ dừng ở 11,5 triệu tấn.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ rà soát, sơ kết, tổng kết, đánh giá lại toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng lãnh thổ, nhất là các quy hoạch thiểu năng về kinh tế xã hội. Và phải có những liều kháng sinh mạnh như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều chỉnh, đình chỉ, chấm dứt hiệu lực đối với các quy hoạch thiểu năng này”, ông Tiến đề nghị.
Phát biểu giải trình tại buổi thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cũng chia sẻ và đồng tình với ý kiến của đại biểu Tiến. “Công tác quy hoạch có vấn đề về chất lượng, cũng như sự đồng bộ”, ông Quân nói. Giải thích thêm với các đại biểu về quy hoạch ngành thép, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng có cùng quan điểm với Bộ trưởng Xây dựng.
Người đứng đầu ngành công thương bổ sung thêm: “Đối với một số địa phương, đặc biệt là những địa phương còn nghèo, họ rất mong muốn có các dự án đầu tư vào địa phương mình để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển công nghiệp. Chính vì thế cũng không tránh khỏi có những dự án chưa nằm trong quy hoạch ảnh hưởng đến quy hoạch đã định hướng”.
Tại kỳ họp này, Quốc hội dành trọn 2 ngày để các đại biểu thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội 2010 và kế hoạch 2011, sau khi đã dành một buổi thảo luận tại tổ trước đó.
Nhật Minh – Kỳ Duyên

Các bài khác:

  • Chính sách về giá thép thế giới đầu năm 2021 được điều chỉnh như thế nào?
  • QCVN 41:2019/BGTVT -QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ
  • Hải Vũ – Quý II-2020 – Công bố Báo giá Hộ lan mềm cột tròn, Lưới chống chói, Đảo mềm & Báo hiệu giao thông.
  • Hai Vu – Quý II-2020 – Công bố báo giá hộ lan tôn sóng, lan can cầu & báo hiệu giao thông
  • Hai Vu – Quý III/2019 -Công bố báo giá hộ lan mềm, lan can cầu & báo hiệu giao thông.
  • Quý III/2019 -Hai Vu –Công bố báo giá hộ lan mềm cột tròn, lưới chống chói, đảo mềm & báo hiệu giao thông.
  • Hai Vu Jsc – Quý I-2019 – Công bố báo giá hộ lan tôn sóng, lan can cầu & báo hiệu giao thông
  • Hải Vũ Jsc – Quý I-2019 – Công bố Báo giá Hộ lan mềm cột tròn, Lưới chống chói, Đảo mềm & Báo hiệu giao thông
  • TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7887 : 2018 MÀNG PHẢN QUANG DÙNG CHO BIỂN BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ
  • DRVN – Văn bản hướng dẫn tạm thời việc lắp đặt sửa chữa hộ lan tôn sóng trên đường bộ

 

Hotline: 098 919 7535