Quy hoạch HN: Thành phố mới hình thành bên thành phố cũ?
Quy hoạch HN: Thành phố mới hình thành bên thành phố cũ?(2010-05-04 11:39:00)
Còn hơn 200 ngày nữa là đến Đại lễ 1000 năm Thăng Long. Theo tiến độ, Hà Nội sẽ tổ chức công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội 2030 tầm nhìn 2050.
Bản Quy hoạch đã được báo cáo cấp có thẩm quyền về các quy hoạch chung giai đoạn 1, 2, 3. Cuối tuần qua, một hội thảo lấy ý kiến các hiệp hội đã diễn ra trước khi Quy hoạch được hoàn thiện để trình Quốc hội trong kỳ họp tới.
Nhìn từ sơ đồ Quy hoạch, dễ nhận thấy nơi có khả năng hiện thực hơn cả là hai bờ sông Nhuệ cho đến vành đai 4, diện tích khoảng 264 km2 – gấp 3 lần diện tích nội thành năm 1999 với 1,45 triệu dân. Diện tích này rộng gấp 5 lần vùng dự trữ đặc biệt dành cho quy hoạch mở rộng Hà Nội năm 1943. Do hoàn cảnh chiến tranh, sau 40 năm (1943 – 1983) mới khai thác hết quỹ đất này.
Do vị trí ngoại biên TP và đất Hà Tây áp sát Hà Nội, khu vực rộng lớn này đã có tên các dự án bất động sản chỉ trong khoảng 24 tháng.
Trong báo cáo Quy hoạch, có tên Khu đô thị lõi mở rộng, dân số đạt 1,3 triệu vào 2030.
Ở đây sẽ phát triển thành các trung tâm hành chính, thương mại – dịch vụ mới, hiện đại. Tiết kiệm đất đai và sử dụng năng lượng tự nhiên. Hình thành môi trường đô thị xanh, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Dịch chuyển dân cư từ lõi đô thị trung tâm tới các khu ở mới. Đa dạng hóa các loại hình nhà ở đáp ứng nhiều đối tượng sử dụng. Gắn kết với các dịch vụ hạ tầng hiện đại theo mô hình đa chức năng và sinh thái bền vững.
4 cụm đô thị nằm trong đô thị hạt nhân là Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông và Thường Tín có tính chất đô thị ở, dịch vụ và thương mại, tài chính, ngân hàng, vui chơi giải trí kết hợp với không gian đô thị hóa và bảo tồn.
Định hướng phát triển hình thành trung tâm văn hóa nghệ thuật quốc gia, tượng đài Độc Lập trên trục Thăng Long, trụ sở một số bộ, ngành trung ương, công viên, bảo tàng, khách sạn cao cấp… Trong thuyết minh ghi thêm sẽ có thêm 5.000 giường bệnh quy hoạch tại đây.
Sông Nhuệ dài hơn 70 km thì một nửa chảy qua khu vực này. Vốn nhận nước từ sông Hồng, từ xứ Đoài mà chảy xuống xứ Sơn Nam , dòng sông xưa nuôi sống cả chục làng quê danh tiếng: rau hoa Tây Tựu , quà bánh Mễ Trì – Phú Đô, tằm tang canh cửi La Khê – La Phù, lụa là Vạn Phúc, vang bóng một thời Cự Đà…
Sông là ranh giới tự nhiên văn hóa Kẻ Chợ với các làng Bưởi, làng Cót với bên kia là Xứ Đoài đặc trưng. Bước qua con sông Nhuệ là lời ăn tiếng nói đã khác, lối chơi cái nghề cũng lạ.
Chỉ ít ngày thôi sau khi bản quy hoạch này được công bố, vô số các dự án nằm im hơn năm trời sẽ nở rộ. Phố lớn phố nhỏ chỉ trong nháy mắt xóa nhòa ranh giới phố với quê. Đô thị hóa đang là hiện thực tất yếu, đề ra một viễn cảnh đổi thay, chỉ lo cách nào đây để cái văn hoá Xứ Đoài, Kẻ Chợ sẽ còn sót lại đâu đó giữa rừng nhà cửa quây kín làng quê?
Sông Nhuệ hôm nay đang cơn bĩ cực – là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất Hà Nội, trong Quy hoạch được nhấn mạnh như trục trung tâm của vành đai Xanh đô thị – nơi hẹp nhất là 0,5 km, nơi rộng nhất tới 4 – 5 km liệu có cơ may lột xác từ cô bé lọ lem thành nàng công chúa yêu kiều? Vẫn chưa thấy trình bày giải pháp thu gom, xử lý nước thải thuyết phục cho cả vùng đô thị rộng lớn này. Rất có thể những vấn đề nhỏ nhoi tiểu tiết này sẽ được bổ sung trong đợt hoàn thiện báo cáo.
Sông Nhuệ trong Quy hoạch sẽ được khai thác thành tuyến đường thủy nội đô như nó vốn là từ thuở sinh thời. Nhưng để có đủ lượng nước thường xuyên sâu trên 2 m, rộng 50 m, dài 70 km, cần tới cả chục triệu mét khối (một nửa lượng nước ngập sông cả TP hồi cuối 2008).
Lượng nước này lấy ở đâu trong mùa khô hạn khi sông Hồng còn trơ đáy? Trong Quy hoạch chưa thấy đề cập hồ chứa hay hệ thống lưu chuyển tuần hoàn. Sông mà khô mùa cạn thì không những chẳng thể để thuyền trôi mà tái ô nhiễm vẫn là có thật.
Khu đô thị lõi mở rộng có quy mô lớn gấp trăm lần khu đô thi Ciputra trị giá 2 tỷ USD không hay chi phí xây dựng toàn bộ vùng này có đến trăm tỷ USD? Giá như có một nghiên cứu sơ bộ cho hay một thành phố mới đang hình thành bên thành phố cũ.
Thành phố mới sẽ bổ sung bao nhiêu tỷ USD để chỉnh trang TP cũ kỹ, già nua, chật chội, thiếu vườn hoa, đường đi kia để một ngày, cả hai TP nhập vào với nhau khung cảnh tươi sáng: nhiều màu xanh, nhiều lớp học cho trẻ nhỏ, nhiều nơi chăm sóc sức khoẻ cho cả trẻ lẫn già và đường đi lại thênh thang cho tất cả mọi người?
Còn sông Nhuệ, trong bản Quy hoạch, đã được nhấn mạnh màu xanh. Mong rằng tương lai nó luôn đầy nước và toàn là nước sạch.
Tác giả: Trần Huy Ánh
Nguồn tin: http://vietnamnet.vn
Các bài khác:
- Chính sách về giá thép thế giới đầu năm 2021 được điều chỉnh như thế nào?
- QCVN 41:2019/BGTVT -QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ
- Hải Vũ – Quý II-2020 – Công bố Báo giá Hộ lan mềm cột tròn, Lưới chống chói, Đảo mềm & Báo hiệu giao thông.
- Hai Vu – Quý II-2020 – Công bố báo giá hộ lan tôn sóng, lan can cầu & báo hiệu giao thông
- Hai Vu – Quý III/2019 -Công bố báo giá hộ lan mềm, lan can cầu & báo hiệu giao thông.
- Quý III/2019 -Hai Vu –Công bố báo giá hộ lan mềm cột tròn, lưới chống chói, đảo mềm & báo hiệu giao thông.
- Hai Vu Jsc – Quý I-2019 – Công bố báo giá hộ lan tôn sóng, lan can cầu & báo hiệu giao thông
- Hải Vũ Jsc – Quý I-2019 – Công bố Báo giá Hộ lan mềm cột tròn, Lưới chống chói, Đảo mềm & Báo hiệu giao thông
- TIÊU CHUẨN QUỐC GIA TCVN 7887 : 2018 MÀNG PHẢN QUANG DÙNG CHO BIỂN BÁO HIỆU ĐƯỜNG BỘ
- DRVN – Văn bản hướng dẫn tạm thời việc lắp đặt sửa chữa hộ lan tôn sóng trên đường bộ